TPHCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung, chỉ có duy nhất 1 dự án được duyệt đầu tư trong quý 1/2024

29/03/2024 12:16

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức họp báo về kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm.

Phản hồi thông tin thành phố Hồ Chí Minh không có dự án bất động sản mới mở bán, ông Vũ Anh Dũng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 2 tháng đầu năm, Sở nhận được 2 hồ sơ đề nghị thông báo đủ điều kiện huy động vốn, tuy nhiên qua xem xét thì cả 2 dự án này lại đều chưa đủ điều kiện.

“Như vậy, dự án mới mong muốn mở bán là có nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định. Thực tế vẫn có sản phẩm nhà ở trong dự án được chủ đầu tư đưa ra thị trường. Đây là những dự án mà trước đây đã được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán theo quy định”, ông Vũ Anh Dũng cho hay.

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2022 có 2 dự án nhà ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Năm 2023 có 2 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quý 1/2024 thì chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất… Do đó, khi Sở Xây dựng xem xét đủ điều kiện huy động vốn thì các dự án nhà ở thuộc các trường hợp này sẽ không đáp ứng. Như vậy, trong dài hạn, yếu tố pháp lý dự án tiếp tục sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung.

Theo ông Dũng, việc xác định cụ thể dự án đang vướng mắc, đã được tháo gỡ vướng mắc tại từng thời điểm là rất khó xác định, do các dự án nhà ở sẽ trải qua nhiều bước thủ tục đầu tư khác nhau theo các quy định pháp luật khác nhau có liên quan.

Khi tháo gỡ xong vướng mắc của thủ tục đầu tư này, cũng có thể sẽ có vướng mắc của thủ tục đầu tư khác cần được tháo gỡ. Vì vậy, Sở Xây dựng cho rằng công việc này sẽ được thực hiện liên tục và số lượng, nội dung các vướng mắc sẽ thay đổi liên tục.

Về giải pháp khơi thông nguồn cung, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo giải quyết. UBND TP HCM đã ban hành công văn để triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, UBND TP HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện các nội dung trọng tâm thuộc trách nhiệm của đơn vị mình để cùng tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án nhà ở và bất động sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, TP HCM cũng thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư do Chủ tịch UBND TP ông Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng và tổ phó là giám đốc các Sở, ngành.

Đồng thời, UBND TP HCM đã thống nhất hướng giải quyết là phân nhóm các dự án cùng vướng mắc cụ thể, giao trách nhiệm trực tiếp cho các sở, ngành chủ trì tháo gỡ. Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND TP HCM xem xét quyết định.

Cuối năm 2022, UBND TP HCM giao Sở Xây dựng tổng hợp tiến độ, kết quả giải quyết đối với 148 dự án nhà ở, 189 kiến nghị do Hiệp hội bất động sản tổng hợp, kiến nghị, trong đó liên quan chức năng xử lý của Sở Xây dựng là 19 kiến nghị (chiếm 10%).

Hết quý 3/2023, Thành phố đã giải quyết được 52/189 kiến nghị (đạt 27,5%), trong đó Sở Xây dựng đã giải quyết được 16/19 kiến nghị liên quan đến chức năng của Sở (đạt 84%).

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tình hình kinh doanh bất động sản ở TP HCM có những dấu hiệu phục hồi, với doanh thu hai tháng đầu 2024 ước đạt 42.300 tỷ đồng. Do đó, nguyên nhân chưa phải hoàn toàn do lo ngại tâm lý thị trường chưa hồi phục mà nguồn cung của từng loại hình nhà ở sẽ do lực cầu của thị trường quyết định và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Các công ty nghiên cứu cũng dự báo, thị trường bất động sản tại TP HCM năm nay có thể được phục hồi với nhu cầu tiếp tục tăng ở phân khúc khách thuê khu công nghiệp và văn phòng. Trong khi đó, thị trường nhà ở vẫn hạn chế về nguồn cung.