Kỳ vọng bán hàng loạt dự án, Vinaconex vẫn đặt mục tiêu lãi dè dặt

26/03/2023 20:05

Lãnh đạo Vinaconex đánh giá thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi ảnh hưởng nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường…

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị thông qua các nội dung trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Cụ thể, Vinaconex đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 đem về 16.340 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 70% so với năm liền trước. Tuy nhiên,  doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận dè dặt với 860 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 8% so với năm 2022.

Kế hoạch trên được đưa ra dựa vào đánh giá của Ban Tổng Giám đốc Vinaconex cho rằng, 2023 là năm tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Lĩnh vực xây dựng được dự báo có sự phân hoá mạnh giữa các nhóm doanh nghiệp, trọng điểm phát triển được kỳ vọng ở nhóm xây dựng hạ tầng và công nghiệp, trong đó, các dự án đầu tư công vẫn mang tính dẫn dắt.

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn cung bởi những ảnh hưởng về nguồn vốn, pháp lý, siết chặt tín dụng, thanh khoản thị trường được dự báo ở mức trung bình - thấp.

Hồ sơ doanh nghiệp - Kỳ vọng bán hàng loạt dự án, Vinaconex vẫn đặt mục tiêu lãi dè dặt

Dự án Green Diamond số 93 Láng Hạ do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Về kế hoạch đầu tư năm 2023, Vinaconex sẽ hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án: Green Diamond số 93 Láng Hạ; Dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh; triển khai bán hàng tại Dự án khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái), Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC)…

Trong đó, Dự án chung cư cao cấp Green Diamond đã hoàn thành đầu tư, đang bán hàng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng; Dự án Khu đô thị Cát Bà Amatina đã hoàn thành các thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất ở và thương mại dịch vụ, đã trả tiền thuê đất một lần đối với toàn bộ thời gian thuê, đã hoàn thành xây dựng toàn bộ khu biệt thự BT4 và đang bàn giao cho khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án khác: Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25), Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Tuy Hoà, Phú Yên. Khai thác có hiệu quả các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động: Dự án thủy điện Đakba, Dự án TTTM chợ Mơ, trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng.

Đối với hoạt động xây dựng, Vinaconex tập trung nâng cao thị phần trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp ,đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư công; nâng cao quản trị hoạt động xây lắp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả từ công tác đấu thầu, thi công, kiểm soát chất lượng, an toàn lao động, công tác thanh quyết toán và nhận diện thương hiệu. 

Tiếp tục đầu tư đội ngũ xe máy, thiết bị đồng bộ để đủ năng lực thực hiện các dự án xây lắp quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Để đạt được kết quả trên, công ty sẽ chủ động thu xếp nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động đầu tư, kinh doanh; đảm bảo duy trì cơ cấu tài chính khoẻ với nguồn tiền mặt lớn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiếp tục thực hiện công tác tái cấu trúc vốn kết hợp với việc nâng cao công tác quản trị định hướng hoạt động của các công ty thành viên.

Tăng vốn điều lệ lên hơn 5.300 tỷ đồng nếu chia cổ tức thành công

Trong năm 2022, Vinaconex ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 9.597 tỷ đồng và 931 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 79% so với 2022. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu và 66% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Phía doanh nghiệp cho biết, việc không hoàn thành kế hoạch năm do các dự án đầu tư vướng mắc nhiều thủ tục nên chậm tiến độ, trong đó có dự án đầu tư công đường cao tốc tuyến Bắc – Nam. Ngoài ra, một số dự án đầu tư kinh doanh bất động sản của tổng công ty và công tác tái cấu trúc một số đơn vị có vốn góp của tổng công ty không thực hiện theo kế hoạch do ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trong năm 2022 tổng công ty đã trúng thầu nhiều công trình lớn với tổng giá trị trên 11.000 tỷ đồng tại các dự án lớn thuộc nhiều lĩnh vực giao thông, xây dựng dân dụng, công nghiệp và nhiều nguồn vốn (nguồn vốn ngân sách, vốn FDI, vốn tư nhân).

Cụ thể, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên; Hạ tầng và Kiến trúc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; các gói thầu dự án thành phần thuộc dự án đầu tư công đường cao tốc Bắc – Nam; Cảng hàng không Phú Bài; Hàng rào, San nền, Cọc nhà ga của Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Với kết quả đạt được trong năm 2022, Vinaconex dự kiến trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỉ lệ 10%. Cổ phiếu trả cổ tức sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Hiện mã VCG đang có gần 486 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, công ty sẽ phát hành gần 48,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nếu việc phát hành thành công, Vinaconex sẽ tăng vốn điều lệ lên gần 5.345 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và sau khi trích lập các quỹ đầy đủ theo quy định của pháp luật theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và phù hợp quy định pháp luật.

Sang năm 2023, Vinaconex cũng dự kiến chia cổ tức tỉ lệ 10%. Tuy nhiên, phía công ty chưa nêu rõ chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu.