165 triệu cổ phiếu trao tay trong một phiên, Hải Phát Invest có gì hấp dẫn?

04/12/2022 08:05

Khớp lệnh hơn nửa số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn trong một phiên, Hải Phát Invest đã xác lập kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ ngày 28/11 đến ngày 1/12, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) - ông Đỗ Quý Hải cùng vợ và em trai đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp tới 45.088.452 cổ phiếu HPX, tương đương 14,8% vốn điều lệ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cổ đông lớn của doanh nghiệp là nhóm quỹ Dragon Capital cũng đưa ra thông báo đã thoái vốn toàn bộ hơn 36 triệu cổ phiếu HPX để giảm sở hữu từ 11,91% vốn điều lệ về 0% vốn điều lệ.

Hồ sơ doanh nghiệp - 165 triệu cổ phiếu trao tay trong một phiên, Hải Phát Invest có gì hấp dẫn?

Diễn biến thị giá cổ phiếu HPX.

Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch ngày 30/11, cổ phiếu HPX khớp lệnh kỷ lục lên tới 165,3 triệu cổ phiếu khi trắng bên bán, chiếm tới 54,33% vốn điều lệ của công ty. Cổ phiếu kết phiên ngày 30/11 ở mức giá trần 9.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng phiên hôm đó có tổng giá trị giao dịch lên tới 1.400 tỷ đồng.

Với 165 triệu cổ phiếu khớp lệnh, HPX đã chính thức vượt mặt những tên tuổi như FLC, NVL, DIG... để xác lập kỷ lục mới về khối lượng cổ phiếu được giao dịch trong một phiên của chứng khoán Việt Nam.

Động thái này diễn ra khi mã HPX “rơi tự do” từ vùng giá xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn dưới 10.000 đồng/cổ phiếu với cả chục phiên nằm sàn nối dài.

Theo đó, doanh nghiệp bị hàng loạt công ty chứng khoán đưa ra thông báo call margin và đem hàng chục triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của gia đình lãnh đạo công ty ra bán giải chấp.

Hàng loạt lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 3.500 tỷ đồng

Hải Phát Invest thành lập năm 2003, ngành nghề kinh doanh chính của công ty là kinh doanh bất động sản. Công ty chính thức niêm yết lên sàn HoSE vào năm 2018 với vốn điều lệ gần 2000 tỷ đồng.

Đây là doanh nghiệp sở hữu hàng loạt dự án bất động sản nằm tại miền Bắc, tiêu biểu như Khu đô thị Tân Tây Đô, Đan Phượng; Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông; Tổ hợp TMDV và Căn hộ Roman Plaza, Nam Từ Liêm…

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang triển khai một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành trên cả nước như The Seahara Phan Thiết, Khu đô thị La Emera Hạ Long, The Seahara Phú Yên Shop Villas…

Theo báo cáo tài chính quý III/2022 do doanh nghiệp công bố, tính đến ngày 30/9 Hải Phát Invest đang có khoản nợ phải trả lên tới 6.651 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm và chiếm 64,6% tổng tài sản.

Cơ cấu nợ chủ yếu là nợ dài hạn, tăng 43% so với đầu năm lên mức 3.634 tỷ đồng; nợ ngắn hạn ghi nhận ở mức 3.019 tỷ đồng, giảm 14%.

Trong đó ghi nhận dư nợ vay, thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 4.754 tỷ đồng. Các khoản nợ vay của Hải Phát chủ yếu là vay ngân hàng và các khoản vay tại các công ty chứng khoán do phát hành trái phiếu.

Về vay ngân hàng, theo thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận Hải Phát Invest đang có tổng giá trị các khoản vay ngắn và dài hạn tại ngân hàng là 1.003 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của Phát Hải Invest tính đến cuối quý III/2022 là Ngân hàng HDBank Tp.HCM với khoản nợ 374,5 tỷ đồng, đứng thứ hai là Ngân hàng Bảo Việt với khối nợ hơn 301 tỷ đồng và nhiều khoản vay tại các ngân hàng khác.

Về trái phiếu, Hải Phát Invest đang có tổng dư nợ hơn 822 tỷ đồng liên quan tới 6 lô trái phiếu ngắn hạn và hơn 2.650 tỷ đồng liên quan tới 8 lô trái phiếu dài hạn.

Cụ thể, 8 lô trái phiếu dài hạn bao gồm lô trị giá 449,8 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Navibank; lô 349 tỷ đồng được tư vấn bởi Navibank; lô 300 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 255 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán MB; lô 496 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Smart Invest; lô 298 tỷ đồng được tư vấn bởi VietinBank Securities; lô 249 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Dầu khí; và lô 250 tỷ đồng được tư vấn bởi Chứng khoán Bảo Việt.

Theo tìm hiểu, nhiều khoản nợ trái chủ đã không được Hải Phát Invest thanh toán đúng hạn và phải áp dụng giải pháp gia hạn.

Cụ thể, lô trái phiếu 300 tỷ đồng do Chứng khoán Smart Invest tư vấn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đáo hạn vào cuối năm 2021. Nhưng Hải Phát Invest đã có thỏa thuận gia hạn đáo hạn lô trái phiếu này thêm 2 năm nữa, vào ngày 31/12/2024.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gia hạn lô trái phiếu 350 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng do CTCP Chứng khoán Navibank làm đơn vị tư vấn theo hợp đồng ngày 11/1/2022, đến ngày 12/1/2024 (ngày đáo hạn ban đầu vào 12/1/2023) và gia hạn lô trái phiếu 450 tỷ đồng cũng do Chứng khoán Navibank làm đơn vị tư vấn theo hợp đồng ngày 21/12/2021 (ngày đáo hạn ban đầu 24/12/2022), đến ngày 24/12/2023.

Kết quả kinh doanh kém sáng

Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của Hải Phát Invest đạt gần 726 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần và lợi nhuận sau thuế ghi nhận xấp xỉ 93 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 93 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ.

Về hoạt động tài chính, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tài chính giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái về mức 5,3 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay, lại tăng một mạch từ 8 tỷ đồng lên gần 95 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Hải Phát Invest đạt gần 1.308 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% và hơn 123 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 35% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, doanh nghiệp mới đạt 48,4% kế hoạch doanh thu và 27,3% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2022.

Từ năm 2017 đến nay, doanh thu của Hải Phát Invest đều vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, năm 2019 còn đạt mức kỷ lục 3.400 tỷ đồng. Đồng thời, năm 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng đạt mức xấp xỉ 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ giai đoạn 2020 đến nay, kết quả kinh doanh của công ty bất động sản bắt đầu có dấu hiệu đi xuống so với năm 2018, 2019. Năm 2020 doanh thu đạt 1.330 tỷ đồng và năm 2021 đạt hơn 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức xấp xỉ 400 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty tính đến ngày 30/9 ghi nhận gần 10.286 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm. Chủ yếu tăng ở khoản phải thu dài hạn, từ gần 563 tỷ lên 1.318 tỷ đồng. Hàng tồn kho gần như đi ngang với 3.807 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản để bán đã hoàn thành.

Ở chiều ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp giảm mạnh so với đầu năm, từ gần 635 tỷ đồng về hơn 68 tỷ đồng.